Quyết tâm cho con bú hoàn toàn 6 tháng đầu, trong thời gian nghỉ sinh, chị Diệu (Mỹ Đình, Hà Nội) đã thường xuyên vắt sữa vào bình thủy tinh sạch rồi ghi rõ ngày tháng "sản xuất" rồi cất trong ngăn đá, để dành.
Chị Diệu cho biết, nhờ cách này, con trai chị không chỉ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng mà tới tận 10 tháng.
"Buổi sáng, trước khi đi làm, mình lấy sữa ở ngăn đá để xuống ngăn mát cho rã đông từ từ, nửa buổi bà sẽ mang ra hâm nóng rồi cho con uống. Buổi trưa thì mình lại tranh thủ về cho con bú. Trộm vía, thằng cu nhà mình uống sữa kiểu này tiêu hóa rất tốt, lên cân đều từ nhỏ tới giờ", chị Diệu kể.
Hiện tại, cậu con trai gần một tuổi của chị vẫn rất mê sữa mẹ. Bé đã ăn dặm được khá nhiều và không cần dùng sữa trữ lạnh nữa.
Nhà cách chỗ làm tới 15km, đi làm không thể về buổi trưa nên ngay khi con đầy hai tháng, chị Liễu (Hà Đông, Hà Nội) cũng thực hiện việc để dành sữa mẹ trong tủ lạnh cho con dùng. Để thực hiện việc này, chị Liễu đi mua hẳn loại túi đựng sữa chuyên dụng cho tủ đá. Tới lúc chị đi làm, buổi trưa bà nội có thể lấy sữa trên đem ngâm vào nước nóng làm ấm rồi cho bé ăn. Trong thời gian này ở cơ quan, chị Liễu cũng vắt sữa vào bình tiệt trùng đem theo và cất vào tủ lạnh ở chỗ làm. Đến chiều, chị bỏ bình sữa vào hộp xốp nhỏ (loại hay dùng để trữ đá) kèm theo một ít đá lạnh để mang về về nhà. Với cách này, đến 2 tuổi, con gái chị Liễu vẫn được uống sữa mẹ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ nhỏ. Ảnh Internet
Sữa mẹ được khẳng định là nguồn thức ăn tự nhiên và tốt nhất cho trẻ nhỏ vì trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối nên rất thích hợp cho sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Trong sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ sẽ ít bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Hiểu rõ lợi ích của sữa mẹ với trẻ, hiện nay nhiều bà mẹ đã dùng phương pháp bảo quản sữa trong ngăn đá tủ lạnh cho con dùng khi mẹ phải đi làm. Trên nhiều diễn đàn phụ nữ hiện nay, nhiều chị em cũng bàn tán rôm rả về chủ đề này, chia sẻ với nhau các cách giữ sữa mẹ được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Một số bà mẹ có nhiều sữa, thường xuyên tích sữa mình trữ trong tủ lạnh, không những đủ dùng cho con mà còn dư ra và tặng người khác. Trên một diễn đàn cho cha mẹ có riêng một chủ đề "Tặng sữa mẹ" để các chị em chia sẻ nguồn dinh dưỡng quý giá của mình cho những em bé mà mẹ thiếu sữa. "Trong 6 tháng đầu tiên tớ khá nhiều sữa. Hằng ngày tớ vắt 1-1,2 lít nhưng con tớ chỉ ăn 500-600ml thôi nên tớ tích lại bằng các túi trong tủ lạnh, có ghi ngày tháng cẩn thận. Đến giờ, con tớ được 7 tháng rồi, 2 tủ lạnh nhà tớ chật cứng sữa, mà trộm vía, tớ vẫn đủ sữa nuôi con. Vậy, nếu mẹ nào ít sữa, không có sữa mà có nguyện vọng nuôi con bằng sữa mẹ thì tớ... tặng lại", thành niên có tên Bomeyeulena chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, trữ sữa mẹ trong tủ lạnh là cách hiệu quả giúp chị em cho con dùng sữa mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời. Điều này cũng cho thấy phụ nữ ngày nay đã hiểu rõ giá trị của sữa mẹ cho sức khỏe và trí tuệ của con cái.
Theo bà Lâm, ở nhiệt độ thường sữa mẹ có thể trữ được vài tiếng. Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24h, và nếu cất trong ngăn đá thì có thể để được vài tuần, thậm chí vài tháng, nếu điều kiện vô trùng tốt.
Tuy nhiên, bác sĩ dinh dưỡng khẳng định, để làm được như vậy, chị em cần bảo đảm khâu vệ sinh thật tốt. Trước khi vắt sữa, bạn cần rửa tay bằng xà phòng, lau sạch đầu vú, chuẩn bị các vật chứa đã được làm sạch, tốt nhất là khử trùng. Sữa đã được vắt nên đựng trong các túi trữ sữa hay bình sạch và để trong ngăn đá tủ lạnh. Thường ở -18 đến -20 độ, sữa có thể bảo quản tốt trong vài tháng. Trong thời gian trữ sữa cần đảm không bị mất điện, tủ lạnh có nhiệt độ ổn định, đồng thời không nên để sữa mẹ chung với các đồ ăn khác, vì dễ bị nhiễm khuẩn chéo.
Tiến sĩ Lâm cho biết, ở một số nước phát triển người ta còn thành lập các ngân hàng sữa mẹ - là nơi giữ lượng sữa do các bà mẹ gửi hay bán vào - với điều kiện quản bảo quản nghiêm ngặt và được sử dụng trong vòng vài tháng.
Theo bà, khi rã đông, có thể sữa mẹ không còn thơm như lúc mới vắt ra nhưng hầu như chất lượng không thay đổi bao nhiêu. Trừ một số vitamin tan trong nước như vitamin C, B1 thì hầu như các chất dinh dưỡng cơ bản như đạm, canxi, chất béo... đều vẫn được giữ nguyên.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trữ sữa mẹ trong tủ lạnh là một cách hay, hữu ích đối với những chị em phải đi làm trong thời gian nuôi con bú. Bà cho rằng, việc thường xuyên vắt sữa và tích sữa cho trẻ dùng khi bà mẹ đi làm không chỉ giúp trẻ vẫn được sử dụng nguồn sữa tốt nhất mà còn giúp mẹ duy trì lượng sữa của mình.
"Khi đi làm, nếu chị em không vắt sữa, bảo quản, để dành cho con thì lượng sữa có thể nhanh chóng giảm đi, thậm chí mất hẳn. Đơn giản, vì khi ngực căng sữa sẽ hình thành phản xạ báo về thần kinh trung ương là đang thừa sữa nên việc tiết sữa sẽ bị ngừng trệ vì thần kinh trung ương điều khiển", bác sĩ giải thích.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ cũng cần chú ý khi cho con sử dụng sữa đã để trong tủ lạnh. Chị em không nên dùng lò vi sóng để hâm sữa vì có thể phá hủy các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ hoặc sữa dễ bị nóng quá gây bỏng cho bé. Ngoài ra, cũng không nên rã đông sữa mẹ ở điều kiện ngoài trời, nhất là trong ngày nóng, vì sữa có thể bị nhiễm khuẩn. Chị em có thể đặt bình sữa vào bát nước nóng hoặc dưới vòi nước ấm và hâm đến nhiệt độ vừa phải.
CamNangBenh.com (Theo VNE)