Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang tiến hành đợt kiểm tra phòng khám tư nhân trên toàn địa bàn. Đợt thanh - kiểm tra chú trọng chấn chỉnh hiện tượng quảng cáo quá mức, quá phạm vi hành nghề cho phép, quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định và năng lực chuyên môn của các phòng khám. Theo chân đoàn thanh tra, phóng viên SK&ĐS đã được chứng kiến nhiều điều.
Thu tiền “cắt cổ”, cho thuốc mập mờ
Tại Phòng khám đa khoa Việt Hải (709 đường Giải Phóng, Hà Nội), chúng tôi gặp chị Lê Thị B.T, 26 tuổi, ở Yên Mỹ (Hưng Yên), chị cho biết, thời gian gần đây chị bị ho, có nhiều đờm, đã khám và uống thuốc nhưng không đỡ, nghe qua quảng cáo về phòng khám này, hai vợ chồng chị đã đến khám. Ngày đầu tiên đến phòng khám, chị được yêu cầu mua một cuốn sổ khám bệnh với giá 20.000 đồng, rồi phải nộp thêm 450.000 đồng nữa mới được bác sĩ người Trung Quốc khám bệnh. Sau khi khám, bác sĩ này chẩn đoán chị bị polýp mũi, phải phẫu thuật, bởi lý do chị bị ho nhiều là “mủ không thoát ra được ngoài, chảy xuống họng”. Quyết định mổ, chị T. đã phải nộp 2,6 triệu đồng tiền phẫu thuật, sau đó thì được truyền 3 chai dịch, chiếu đèn (chiếu tia hồng ngoại), cho thêm 5 viên thuốc về uống (viên nhộng, giá khoảng 30.000 đồng/viên), đáng nói số thuốc này bị bóc hết vỏ, không nhận biết được là thuốc gì. Chỉ tính sơ sơ, qua 3 ngày điều trị, chị T. đã tốn gần 10 triệu đồng.
Phòng khám có yếu tố người nước ngoài thăm, khám cần quản lý chặt chẽ. Ảnh: PV
|
Tại Phòng khám Maria số 65 Thái Thịnh, chị B. H. Trang gửi thư điện tử cho phóng viên cho biết: Qua xem quảng cáo trên truyền hình về việc khám chữa bệnh “trĩ” của phòng khám, tôi đã đến khám và được các bác sĩ chào đón rất nhiệt tình. Sau khi khám xong, bác sĩ tư vấn là phải tiểu phẫu vì bị nứt hậu môn, nội dung tư vấn rất hấp dẫn (Chúng tôi cam kết chỉ điều trị một lần duy nhất, không cắt, không đau, không kiêng gì cả và đi lại làm việc bình thường, chỉ mất 6 triệu đồng). Lời giới thiệu đã làm tôi cuốn hút theo và tôi đã đồng ý làm tiểu phẫu. Sau khi làm tiểu phẫu 10 phút, tôi được chuyển sang phòng bên cạnh để nằm nghỉ. Khi đó, tôi được bác sĩ đưa cho tờ thông báo về kiêng cữ và một bóa đơn thuốc điều trị tổng số tiền 3,7 triệu đồng (3 ngày thuốc và 40 phút trị liệu sóng ngắn). Bác sĩ yêu cầu nộp tiền xong mới được cấp thuốc và điều trị. Việc điều trị sóng ngắn không chỉ một lần vì bác sĩ nói hôm nay khám lại và báo ngày mai đến điều trị tiếp, cứ 40 phút điều trị là phải chi 1,68 triệu đồng. Sau 4 ngày điều trị tôi vẫn không biết bệnh án của mình thế nào và phải điều trị bao lâu nữa. Tôi đã hỏi một số bệnh nhân và 100% bệnh nhân tôi hỏi đều rất ngạc nhiên về các khoản phí cho việc điều trị này, ai cũng tưởng chi 6 triệu đồng như lời bác sĩ đã tư vấn. Có những bệnh nhân đã điều trị hơn 10 ngày rồi và đã chi trả gần 50 triệu đồng nhưng vẫn phải đến điều trị tiếp. Sau đó, bác sĩ đã viết cho tôi đơn thuốc nhưng chỉ ghi mã mà không ghi tên thuốc. Tôi đã yêu cầu ghi rõ từng tên thuốc, rất lâu sau bác sĩ mới ghi cho tôi và bảo tôi xuống quầy thuốc của phòng khám mua thuốc (4 loại thuốc) tôi mới chỉ hỏi được 2 loại thuốc và được báo giá 3,5 triệu đồng, tôi nói không mang tiền theo nên chưa mua. Bác sĩ còn nói “chỉ mua thuốc ở đây chứ ở ngoài là không có đâu”.
Phòng khám Việt Mỹ ở địa chỉ 620 Hoàng Hoa Thám, tại thời điểm phóng viên SK&ĐS trong vai bệnh nhân muốn khám khớp, đau cột sống có rất nhiều người vào ra chờ đợi. Chúng tôi mua sổ khám và đóng 40.000 đồng. Trong thời gian chờ, chúng tôi thấy có rất nhiều người bệnh sau khi được bác sĩ người Trung Quốc khám đều xuống phòng đợi ngồi chờ các nhân viên áo trắng không đeo biển tên mang thuốc gói trong túi ni lông gọi tên và dặn cách uống thuốc. Dò hỏi thì được biết, người bệnh sau khi được thăm khám đều nộp tiền ngay cho thông dịch viên trước mặt bác sĩ người Trung Quốc!
Đến lượt phóng viên được nhân viên phòng khám gọi tên. Chúng tôi lên tầng 2, bước vào phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc đang chờ sẵn, cũng không đeo biển tên. Sau khi thăm khám và kể bệnh tình, bác sĩ này nói với cô thông dịch điều gì đó, cô này nói lại: “Bệnh này chỉ cần điều trị 1 liệu trình với 15 ngày uống thuốc (mỗi ngày 300.000 đồng tiền thuốc) cộng với 2 lần châm cứu chữa bệnh là 5 triệu đồng, chắc chắn bệnh sẽ giảm”. Trước thắc mắc, liệu sau khi dùng hết thuốc bệnh có khỏi hẳn thì cô thông dịch này nói chắc nịch, “cứ uống hết thuốc rồi quay lại khám, nếu không đỡ sẽ có phương pháp điều trị tiếp theo”? Với số tiền quá lớn, viện lý do không đủ tiền, chúng tôi xuống dưới nhà chờ đợi. Tiếp tục quan sát, chúng tôi được chứng kiến nhiều cảnh trái khoáy. Nhiều bệnh nhân mua thuốc mà không biết mình mua thuốc gì, chỉ được nhân viên phòng khám nói sơ qua về cách dùng. Thậm chí có bệnh nhân đến phòng khám cắt trĩ, trong gói thuốc cầm về có cả thuốc Tây y, không có giá thuốc in trên hộp theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đem thắc mắc này hỏi người của phòng khám thì được biết: Hộp thuốc Tây bán kèm trong gói thuốc là… mua hộ cho bệnh nhân để chống nhiễm khuẩn. Giá bán tính chung trong gói điều trị bệnh trĩ!!!
Hộp thuốc tại Phòng khám Việt Mỹ 620 Hoàng Hoa Thám chỉ có hướng dẫn tiếng Việt như thế này.
|
Nhiều sai phạm
Từ những phản ánh của nhân dân, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc tuân thủ quy định hành nghề khám chữa bệnh tại Phòng khám Việt Hải. Qua kiểm tra, một số bệnh nhân đang được truyền dịch nhưng trên chai dịch truyền không có phiếu theo dõi, không có sổ y bạ, kê thang thuốc Đông y nhưng không có đơn thuốc đi kèm. Đặc biệt, theo quy định, sau khi khám nếu bệnh nhân phải mua thuốc, dịch để phục vụ cho việc điều trị thì nhân viên y tế phải đưa y lệnh (đơn chỉ định) cho bệnh nhân xuống nhà thuốc mua thuốc rồi chuyển cho y tá để truyền dịch. Tuy nhiên, ở phòng khám này, nhân viên y tế của phòng khám tự cầm tờ y lệnh xuống nhà thuốc lấy thuốc rồi đưa cho bệnh nhân để truyền, bệnh nhân chỉ biết trả tiền mà không biết rõ cụ thể mình được truyền cái gì, hết bao nhiêu tiền… Về việc giá các chai dịch truyền tại phòng khám cao ngất ngưởng, chẳng hạn như gluco 5% chai 250ml trên giá niêm yết chỉ có 8.880 đồng nhưng thực tế phòng khám lại bán cho bệnh nhân với giá 300.000 đồng. Ông Bùi Quang Vinh - phụ trách phòng khám cho rằng, có thể là trong chai này có pha các loại thuốc khác theo nhu cầu điều trị của từng loại bệnh như chống viêm, cầm máu, kháng sinh...(?!)
Qua đây, đoàn Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục làm việc để xác minh làm rõ thêm những sai phạm của Phòng khám Việt Hải trong tuần tới. Được biết, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra một số phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Vi phạm thường gặp là sử dụng bác sĩ, kỹ thuật chưa được cơ quan nhà nước cấp phép, nội dung quảng cáo không đúng hoặc vượt quá nội dung được cấp phép, có cả những phòng khám sử dụng bác sĩ nước ngoài, bán thuốc nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nhưng trên bao bì thuốc không hề có phụ đề tiếng Việt.
CamNangBenh.com ( Theo Sức khỏe và đời sống )